Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào lại có tính đa diện như nghệ thuật Ca trù. Trải theo dòng chảy của thời gian, tùy theo từng không gian văn hóa hay chức năng xã hội phối thuộc mà loại hình nghệ thuật này mang những tên gọi với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Hát ả đào: Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có người ca nương tên là Đào Thị giỏi nghề ca hát, thường được nhà vua ban thưởng. Người thời bấy giờ ngưỡng mộ danh tiếng của Đào Thị nên phàm con hát đều gọi là Đào nương (1). Sách Công dư tiệp ký viết rằng cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nương họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ thương lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn ả đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là ả đào (2). Trên sử liệu, những sự kiện về một ca nương nổi tiếng chứng tỏ nghề nghiệp của bà vào thời điểm lịch sử đó đã được phổ biến như thế nào trong xã hội. Theo đó, ả đào được coi là tên gọi cổ xưa nhất của thể loại âm nhạc Ca trù. Hát ca trù: Theo sách Ca trù bị khảo, ở cửa đền ngày xưa có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi mức tiền ứng với giá trị mỗi thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng (cồng) và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù, mà trị giá mỗi trù ấn định là 2 tiền kẽm thì làng phải trả cho 10 quan tiền. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Ca trù, nghĩa là hát thẻ (3).  Có thể nói, tên gọi Ca trù thể hiện rõ tính thương mại của một loại hình nghệ thuật - tức loại hình này đã đạt tầm nghệ thuật cao để trở thành một giá trị hàng hóa trong đời sống xã hội. Theo các nghệ nhân cho biết, việc thưởng thẻ không chỉ dành riêng cho đào nương mà còn để thưởng cả cho kép đàn. Tuy nhiên, thường thì người ta vẫn coi đào nương là nhân vật chính. Có lẽ đây là đặc điểm xuất phát từ thói quen trọng nhạc hát hơn nhạc đàn của người Việt. Lệ tính tiền thù lao bằng thẻ chủ yếu sử dụng trong hình thức sinh hoạt Hát cửa đình. Còn trong các hình thức sinh hoạt khác, người ta thường tính tiền công cho đào kép dưới dạng trọn gói theo sự thỏa thuận trước - gọi là hát khoán. Theo đó, có thể coi Ca trù là tên gọi bắt nguồn từ sinh hoạt Hát cửa đình. Hát cửa quyền: Là hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến. Theo Phạm Đình Hổ: Hát Ca trù đời nhà Lê ở trong cung gọi là Hát cửa quyền. Triều đình cắt cử hẳn một chức quan để phụ trách phần lễ nhạc trong cung, gọi là quan Thái thường. Hát cửa quyền được dùng vào các dịp khánh tiết của hoàng cung (4). Hát cửa đình: Đây là hình thức sinh hoạt Ca trù phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình hay đền làng. Trên thực tế, người ta còn mượn không gian đình đền để tổ chức hát Ca trù với mục đích giải trí đơn thuần. Song, hát tế lễ vẫn được coi trọng hơn với cả một trình thức diễn xướng tổng hợp kéo dài. Bởi vậy, thuật ngữ Hát cửa đình vẫn được sử dụng với hàm ý chỉ loại âm nhạc Ca trù mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng nơi đình (đền) làng. Hát nhà trò: Trong trình thức Hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là "bỏ bộ". Ả đào miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm điệu bộ người điên, người say rượu, người đi săn... Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò (5). Cách gọi này phổ biến ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, Hát nhà trò cũng là thuật ngữ xuất phát từ hình thức phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng. Hát nhà tơ: So với các tên gọi khác của nghệ thuật Ca trù, Hát nhà tơ là một thuật ngữ ít phổ biến. Theo Việt Nam ca trù biên khảo (6) thì thời xưa, "dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà hát chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ - ngày xưa dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh án sát gọi là Niết ty) mới tìm ả đào tới hát. Vì thế hát ả đào còn được gọi là Hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan"(7). Như vậy, cách gọi này xác định hình thức sinh hoạt phục vụ nhu cầu giải trí của nghệ thuật Ca trù trong môi trường các nhà quan lại. Tuy nhiên, cũng trên ý nghĩa ty là tơ thì Hát nhà tơ còn có thể được hiểu theo nghĩa khác. Theo Phạm Đình Hổ (8), đời Hồng Đức (1470-1497) nhà Lê, Ty giáo phường là một thiết chế do triều đình sắp đặt để trông coi âm nhạc chốn dân gian. Về sau, khái niệm này còn được dùng phổ biến ở thế kỷ XVII, XVIII trong các văn bia, khế ước. Và như thế, khái niệm Hát nhà tơ - Hát nhà ty rất có thể chỉ là cách "diễn nôm" phiếm chỉ loại âm nhạc của Ty giáo phường mà thôi. Hát cô đầu: Theo Việt Nam ca trù biên khảo (9), chữ ả nghĩa là cô, ả đào nghĩa là cô đào. Theo Ca trù bị khảo: "Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền Đầu. Sau người ta dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng, và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu"(10). Tên gọi này của nghệ thuật Ca trù chính là sự phản ánh phần nào nhu cầu "Nôm hóa" ngôn ngữ, đồng thời phản ánh một luật tục của giới nghề, đó là việc trọng thầy và phụng dưỡng thầy. Trong lịch sử của nghệ thuật Ca trù, có lẽ đây là tên gọi xuất hiện muộn hơn cả và được giới thị thành biết đến nhiều hơn - trước khi thể loại này biến mất khỏi đời sống xã hội vào cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Hát ca công: Theo Vũ trung tùy bút thì cho đến cuối thời Lê, ca công là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sĩ chốn giáo phường. Theo đó, Hát ca công hàm ý là âm nhạc giáo phường (11). Như thế tên gọi này chính là sự chuyển hóa của một danh từ chỉ nghề nghiệp thành một danh từ chỉ thể loại. Điều đó đã đủ để chứng minh vai trò quan trọng của thể loại âm nhạc này trong đời sống xã hội của cả một giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, Hát ca công thời xưa là một thể loại rất phổ biến, bao trùm khắp nơi chốn, phường hội của những nhạc sĩ dân gian chuyên nghiệp. Sự phổ biến đạt đến mức người ta gọi luôn loại âm nhạc mà các nghệ sĩ thực hành bằng chính danh người nghệ sĩ. Cũng qua Vũ trung tùy bút, có thể thấy rằng danh từ ca công thời xưa rất thông dụng ở khắp các vùng miền Bắc. Thế nhưng về sau, tên gọi Ca công lại chỉ được dùng phổ biến ở Thanh Hóa. Điều đó có nghĩa trải theo năm tháng, thuật ngữ cổ xưa này đã biến mất khỏi đồng bằng Bắc Bộ - trung tâm văn hóa của Đại Việt và được lưu giữ tại vùng ngoại biên (12). Điều đặc biệt, vùng ngoại biên này lại vốn là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ca trù. Hơn thế nữa, đây cũng là quê hương của 9 đời vua chúa Việt Nam. Những dữ kiện đó cho thấy nghệ thuật Ca trù đã từng chiếm giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong lịch sử âm nhạc dân tộc. Như vậy, các tên gọi khác nhau của nghệ thuật Ca trù được hình thành theo mấy nguyên tắc sau: - Danh từ chỉ người nghệ sĩ thực hành âm nhạc được dùng như danh từ chỉ thể loại: Hát ả đào, Hát ca công. - Tên gọi thể loại xuất phát từ địa điểm, không gian văn hóa sinh hoạt: Hát cửa quyền, Hát cửa đình và Hát nhà tơ. - Tên gọi thể loại gắn với danh từ phiếm chỉ chế độ "tiền bảo hiểm" cho đào nương lão thành: Hát cô đầu. Đồng thời, cô đầu cũng là danh từ chỉ người ca nương giống như chữ ả đào. - Tên gọi thể loại xuất phát từ hành động diễn xướng sân khấu: Hát nhà trò. - Tên gọi thể loại hình thành từ danh từ chỉ phương thức chi trả thù lao nghệ thuật cho đào kép: Hát ca trù. Có thể nói, bản thân các tên gọi khác nhau của nghệ thuật Ca trù đã cho thấy đây là một thể loại âm nhạc rất đặc biệt. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không có một thể loại nào lại mang nhiều tên gọi như vậy. Mỗi tên gọi lại hàm ý sâu sa những không gian văn hóa, những chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện khác nhau của nghệ thuật Ca trù. Chỉ mới thông qua những tên gọi đó, chúng ta đã có thể tìm thấy biết bao hình ảnh chân thực và sống động của lịch sử. Tổ chức phường hội Thời xưa, những người làm nghề ca xướng thường co cụm nhau lại thành từng cộng đồng nghề nghiệp trong các phường xóm riêng biệt. Như một thứ làng nghề nghệ thuật truyền thống, nơi ấy được gọi là giáo phường - tức làng của những người ca xướng. Theo Khâm định Việt sử: "Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), vua Lý Thái Tổ đặt chức Quản giáp cho bọn ca nhi. Sau, những người gảy đàn giỏi và có tín nhiệm được cử ra trông coi trật tự ở giáo phường, gọi là Quản giáp. Quản giáp phiên âm chệch ra thành tiếng kép"(13). Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ gọi quản giáp là kép, đào nương là ả đào (14). Theo Việt Nam ca trù biên khảo, "sổ sách ở Giáo phường ngày xưa cử đào kép đi hát các đình đám đều viết giáp là kép, đào là cô đầu" (15)(16). Cuốn sách này còn cho biết, ngày xưa, so với dân thường bên ngoài giáo phường, đào kép mỗi vùng đều mang một tên họ riêng, như họ Tam, họ Ngàn, họ Thông, họ Thiên... Đào kép thuộc về dòng họ nào thì lấy họ đó đặt lên trước tên cúng cơm. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thông thì gọi là Thông Thuận... Họ này được coi như tín hiệu nghề nghiệp - gần giống kiểu nghệ danh và chỉ dùng riêng ở trong giáo phường (17). Còn đối với chính quyền làng xã, các đào kép vẫn phải giữ nguyên họ tên bình thường (18) (họ dòng tộc). Người đứng đầu mỗi họ nghề nghiệp được gọi là trùm họ. Vai trò này thường do kép đàn đảm trách. Những đào nương sinh ra trong mỗi họ nghề truyền thống được gọi là cô đầu nòi. Với những người ngoài giáo phường muốn theo học nghề đàn hát, họ buộc phải xin vào làm con nuôi một người trong họ nghề truyền thống thì mới được giáo phường công nhận. Sự tôn vinh "con nhà nòi" như vậy là một thứ chứng chỉ không văn bản khẳng định đẳng cấp nghệ thuật của giới nhà nghề. Đây là một luật tục đảm bảo tính "gia truyền", duy trì những tinh hoa nghệ thuật trên phương diện cộng đồng dòng tộc. Nói cách khác, luật tục này một mặt vừa để tôn vinh các giá trị nghệ thuật kết tinh, một mặt đảm bảo tính "bản quyền" tài sản nghệ thuật của giới nghề. Trong các giáo phường, bên cạnh việc học âm nhạc, do yêu cầu tổng thể của nhiều hình thức diễn xướng, các đào nương còn được đào tạo cả về nghệ thuật múa và nhiều kiến thức bổ trợ khác. Chẳng hạn như việc học các thể thơ văn của Ca trù. Về vấn đề này, cho đến nay, các tài liệu vẫn chưa thống nhất được việc các đào nương có "biết đọc, biết viết" hay không. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thơ ca trong Ca trù đã đạt tới tầm cao trong nền văn học nghệ thuật dân tộc. Để hát xướng và truyền cảm được các bài thơ đó, đào nương tất phải có một trình độ hiểu biết nhất định về thơ ca nói chung, văn tự nói riêng. Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, việc học chữ vốn là lĩnh vực chỉ giành riêng cho nam giới (nói chung mọi người phụ nữ đều mù chữ). Bởi vậy trình độ "biết đọc, biết viết" văn thơ (nếu có) của đào nương hẳn là do quản giáp hay các ông trùm nơi giáo phường truyền thụ. Hiện tượng này tỏ ra phù hợp với giai đoạn phát triển đỉnh cao của Ca trù - khi mà nghệ thuật thơ ca trong đó đã vượt quá tầm bình dân. Về mặt địa bàn cư trú, thì, các giáo phường thời xưa là những tổ chức xã hội có tính thống nhất. Trong khắp các vùng từ miền Bắc đổ vào tới Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, hầu như vùng nào cũng tồn tại vài làng ả đào trong mỗi huyện lỵ. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể, các làng ả đào trong một huyện hoặc vài ba huyện liên kết lại với nhau thành một giáo phường (19). Như vậy, mỗi giáo phường bao giờ cũng là sự tập hợp của nhiều họ nghề truyền thống. Trong mỗi giáo phường, người ta bầu ra một kép đàn có đủ tài đức song toàn làm người thủ lĩnh, sắp đặt mọi công việc của giáo phường, gọi là ông trùm hàng huyện (tức Quản giáp). Bên cạnh đó là hội đồng trị sự của giáo phường bao gồm các ông trùm họ ở từng làng xã (còn gọi là trùm cửa đình). Người quản giáp thời xưa được chính quyền công nhận như một thứ chức dịch và có quyền điều khiển mọi công việc trong mỗi giáo phường. Các giáo phường chia nhau ra giữ những cửa đình, cửa đền trong mỗi vùng cư trú làm chỗ sinh nhai. Về mặt xã hội, đây là một tổ chức phường hội rất ổn định trật tự. Các giáo phường không bao giờ "xâm phạm" đất làm ăn của nhau. Mọi đầu mối, sự vụ của đào kép trong phường đều do Quản giáp sắp đặt, điều hành. Bên cạnh đó, trong mỗi giáo phường đều tồn tại những luật lệ truyền thống như những luật tục kiểu làng xã. Theo Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề thì trong lịch sinh hoạt thường niên, bao giờ các trùm phường cũng phải hội họp một lần để làm lễ tế tổ nghề. Sau ngày tế tổ, nếu có những sự vụ phải giải quyết, hội đồng các ông trùm sẽ cùng họp bàn, phân xử mọi việc trong nội bộ mỗi giáo phường. Về mặt đời sống xã hội, trong các giáo phường, bên cạnh sự ổn định, thống nhất quy củ nghề nghiệp, tất cả mọi thành viên đều phải đảm bảo những quy tắc xã hội và luân lý gia đình như những người dân bình thường. Chẳng hạn "con gái lấy chồng phải nộp cheo cho phường. Luật lệ bắt buộc mỗi khi đi hát đình đám thì chồng đàn vợ hát, anh đàn em hát, hoặc bố đàn con hát, đào kép phải trông nom bảo ban nhau. Cô nào mượn nghề hát xướng để làm việc bất chính, Quản giáp tức khắc mời các vị đàn anh đàn chị trong phường họp lại tuyên bố tội trạng: nhẹ thì bắt vạ nộp tiền xung vào quỹ của phường, nặng thì đuổi ra khỏi phường, lại thông cáo cho các phường khác biết để không phường nào cho vào ở nữa. Vì thế lúc hát, ả đào không dám nhìn ngang nhìn ngửa, không dám công nhiên nói chuyện với quan viên, sợ mang tiếng cho gia đình"(20). Theo phong tục chung của xã hội thời xưa, các đào kép trong giáo phường khi đi hát đều buộc phải kiêng tên húy của thành hoàng làng, thần chủ đền, miếu hay các vị quyền cao chức trọng nơi họ diễn xướng. Bên cạnh đó, họ còn phải kiêng tên húy của chính những vị thần linh tổ nghề Ca trù. Khi hát đến những từ nào trong lời ca mà trùng âm với tên húy thì họ phải tìm cách đọc trại đi. Cách đọc trại như thế nào thì tùy từng nơi. Có nơi quy định, song có nơi lại tùy vào mỗi người. Nhưng thường thì người ta hay bắt chước lối đọc trại phổ biến cho tiện sử dụng và để người nghe dễ bề đối sánh ngữ nghĩa. Chẳng hạn cứ thấy đào nương hát chữ huê thì khán giả hiểu ngay đó là chữ hoa, chữ Biệc được hiểu là Bạch (tên húy Bạch Hoa công chúa); hay chữ Lễ đọc là Lỡi (tên húy Đinh Lễ), Đông đọc là Đương (tên húy Đông Phương Sóc)... Riêng với những tên húy tổ nghề, giáo phường đặc biệt coi trọng, "ai vô ý nói đến coi như là đã xúc phạm thần minh, không những phải nộp vạ mà còn bị cảnh cáo và truất ngôi thứ trong phường"(21). Trong giáo phường, hẳn bởi nhu cầu tiếp nối nghề nghiệp sinh nhai mà đạo thầy - trò được coi như một luật tục nghiêm minh. Tết nhất, giỗ bái, học trò phải thực thi các lễ giáo với người thầy không khác gì cha mẹ mình. Điều đặc biệt, mỗi lần hành nghề, họ đều phải trích một phần tiền công của mình để đóng góp phụng dưỡng thầy. Số tiền ấy được gọi là tiền đầu. Thành thử đào nương nào mà có nhiều học trò thì có thể hưởng lộc suốt đời. Luật tục này một mặt khuyến khích các nghệ sĩ không ngừng trau dồi nghề nghiệp để thu hút học trò, mặt khác lại có tác dụng kích thích tinh thần "chuyển giao thế hệ", giảm thiểu tình trạng dấu nghề ở nội bộ giáo phường. Trong hệ thống các tư liệu lịch sử, không thấy nhắc đến vấn đề tiền đầu cho kép (thầy đàn). Chúng tôi cho rằng, đạo thầy trò vốn là truyền thống được phổ biến rộng khắp. Nhưng sự đề cao vai trò người thầy - đào nương có lẽ là để tôn vinh sự độc đáo của riêng giáo phường Ca trù. Còn nghĩa vụ của các học trò đối với thầy - kép đàn hẳn cũng giữ lễ nghĩa tương tự. Điều đó có nghĩa các kép đàn khi về già tất cũng sẽ được các thế hệ học trò chu cấp như các lão đào nương. Trong các giáo phường, việc làm ăn của đào kép được quy định theo phương thức "cùng làm, cùng hưởng". Tuyệt nhiên không có việc "riêng lẻ khỏe ăn". Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì đào kép đi hát đình đám, có lệ phân chia tiền hát xướng như sau, nếu được 10 quan tiền thì: 1 quan nộp cho ông trùm chi tiêu việc giáo phường, gọi là tiền rút; 1 quan chi cho người hát, gọi là tiền công sức; 1 quan chi cho người gảy đàn, gọi là tiền giây đàn; Còn lại 7 quan, chia đều cho những người có mặt ở trong đám hát, dẫu người nào không hát cũng được một phần (22). Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, Ca trù là một thể loại âm nhạc mà mọi hình thức biểu cảm nghệ thuật từ kỹ thuật thanh nhạc tới hệ thống các kỹ thuật khí nhạc đã đạt tới đẳng cấp nhà nghề. Theo đó, việc truyền dạy cũng như thụ giáo của thầy và trò mặc nhiên được đặt định theo kiểu trường lớp trong các giáo phường. Thời xưa trong các ả đào, "cô nào thông minh xuất sắc lắm cũng phải học 3 năm mới cầm được lá phách ra hát. Còn trung bình đều học chuyên cần trong 5 năm, mới gọi là biết hát. Những ả đào trẻ tuổi học tập đã thành thục, khi bắt đầu ra hát phải có trầu cau trình với Quản giáp. Quản giáp sai chia cho khắp phường để báo cho biết cô đó đã thành nghề và ra hát. Huynh thứ nhận lễ trình, họp nhau lại sát hạch một buổi rồi mới công nhận. Được phường công nhận, các cô chọn ngày lành tháng tốt làm lễ Cáo tổ, rồi mời một quan viên có danh vọng ở trong miền, nổi tiếng phong lưu hào phóng, đến nghe trống cho buổi hát đầu tiên. Hôm ấy mở tiệc linh đình để thiết đãi phường và bà con quen thuộc. Người đến dự tiệc đều có lễ mừng. Buổi hát đầu tiên ấy, giáo phường gọi là lễ Mở xiêm áo"(23). Theo ông Nguyễn Đôn Phục, khác với các đào nương chốn đô thị, giới đào nương ở các miền đồng quê bên cạnh việc hành nghề ca xướng, họ vẫn chăn tằm dệt vải hay lao động đồng áng như những người dân thường (24). Sử sách không có nhiều cứ liệu bàn về vấn đề này, song chúng tôi cho rằng đây chắc hẳn phải là hiện tượng muộn hoặc chỉ khu biệt trong một vùng nào đó. Bởi trong bộ luật Hồng Đức (25), những người hành nghề ca xướng vốn bị liệt cùng hạng với trộm cướp, nghịch đảng.., không được xếp vào hạng dân thường. Vậy chính quyền liệu có thể cho họ sở hữu được "mảnh đất cắm dùi" nào để mà chăn tằm hay cấy cày? Khi đó, sự lao động "đồng áng" của đào kép hẳn chỉ là việc làm thuê cho các chủ đất - như một nghề phụ để tăng thêm miếng cơm manh áo mà thôi (?). _______________ 1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tr.198. 2, 5, 6, 7, 9. Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề, Việt Nam Ca trù biên khảo, Nxb TP.HCM, 1994, tr.44. 3, 13, 15, 20, 21, 22, 25. Việt Nam Ca trù biên khảo, Sđd, tr.43, 45, 45, 45, 50, 52, 55. 4, 8, 11, 14. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, Hội NCGDVH TP.HCM, 1989, tr.47, 42, 43, 46. 10. Ca trù bị khảo, trích theo Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề, sđd, tr.44. 12. Sự "lắng đọng" các giá trị cổ xưa ở vùng ngoại diên vốn được coi là một trong những quy luật phát triển của văn hóa. Bởi vậy, thuật ngữ ca công còn lưu truyền ở Thanh Hóa là điều dễ hiểu. 16. Về sau, trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, thuật ngữ đào - kép còn được dùng ở nhiều thể loại âm nhạc sân khấu để chỉ các diễn viên nhà nghề. Riêng trên sân khấu Cải lương, thuật ngữ này còn được ghép nối để trở thành những thuật ngữ chuyên môn sâu như: dây đào, dây kép, dây xề đào... 17, 23. Việt Nam Ca trù biên khảo, sđd, Tiết III - Giáo Phường. 18. Như thế, họ nghề nghiệp không chỉ bao gồm những người cùng họ huyết thống. 19, 24. Nguyễn Đôn Phục, Khảo luận về cuộc hát ả đào, Tạp chí Nam Phong, số 70, 4-1923. Bùi Trọng Hiến |