Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Khi người khiếm thị… chụp ảnh
20:59, 11/07/2013
Anh Trần Văn Thân và tác phẩm vợ tôi do chính anh chụp bằng cách... nghe và sờ.Người sáng mắt khi chụp ảnh chỉ cần ngắm và bấm máy. Nhưng với người khiếm thị, họ phải “ngắm” bằng tai, bằng tay để cảm nhận và căn chỉnh đối tượng mà họ muốn chụp.
Người sáng mắt khi chụp ảnh chỉ cần ngắm và bấm máy. Nhưng với người khiếm thị, họ phải “ngắm” bằng tai, bằng tay để cảm nhận và căn chỉnh đối tượng mà họ muốn chụp. Những bức ảnh chính là cách họ đến với ánh sáng.

Những bức ảnh đầy “sự cố”

“Đông ơi, em ngồi vào ghế chưa? Lên tiếng anh nghe”. Khi chụp ảnh vợ ngồi ở bàn uống nước, anh Trần Văn Thân (Chủ tịch Hội Người mù huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) không ngừng hỏi. Từ tiếng trả lời của vợ, anh sẽ căn khoảng cách để lấy vị trí, căn hình và bấm máy. Khi chụp cận cảnh, anh thường dùng tay sờ lên đầu đối tượng được chụp để căn chiều cao, tư thế, từ đó có hướng chỉnh ống kính phù hợp.

“Người sáng mặt chụp ảnh chỉ cần nhìn, bấm máy là xong. Còn tụi tui phải sờ tận nơi và tập trung lắng nghe mà cũng chưa chắc được như ý vì chụp người khi thì mất đầu, khi mất cánh tay, đôi chân...”, anh Thân hóm hỉnh kể.

Anh Trần Văn Thân và tác phẩm vợ tôi do chính anh chụp bằng cách... nghe và sờ.
Anh Trần Văn Thân và tác phẩm "vợ tôi" do chính anh chụp bằng cách... nghe và sờ.

Là tác giả của hàng chục bức ảnh về các buổi hội họp, sinh hoạt của gia đình, người thân, chú Tư (Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bình Dương) cho biết, chụp ở đâu trước hết cũng phải… sờ. Còn khi chụp tòa nhà cao tầng thì bản thân phải biết tòa nhà đó cao bao nhiêu rồi sau đó nhờ hết vào trí tưởng tượng.

Chú Tư chụp rất nhiều ảnh đứa cháu nội chưa đến 2 tuổi. Cháu hiếu động, hiếm khi đứng yên một chỗ nên để chụp được hình chú phải nghe tiếng bước chân, tiếng líu lo của cháu rồi đi theo bấm máy. Không ít bức chú Tư đinh ninh “chắc đẹp lắm” nhưng khi nhờ người xem mới ngã ngửa là... chẳng thấy cháu đâu.

Bức ảnh đàn heo bú của người đàn ông khiếm thị Hồ Thanh Tùng.
Bức ảnh đàn heo bú của người đàn ông khiếm thị Hồ Thanh Tùng.

Anh Hồ Thanh Tùng (ở thị xã Thuận An, Bình Dương) có nhiều “sự cố” kể không xuể khi chụp hình. Cuộc sống gia đình cải thiện nhờ việc nuôi heo nên chụp heo là chủ đề anh Tùng tâm đắc nhất. Để chụp được bức ảnh heo mẹ cho con đàn heo con bú, anh phải canh nguyên một ngày. “Khi heo mẹ ụt ịt báo hiệu cho con bú, tôi lại lập cập đi lấy máy ảnh. Heo nằm trong chuồng, lại nằm sát thành tường nên mình không có khoảng cách để chụp vì xung quanh đều là chuồng heo. Bị hụt 5 - 6 lần như vậy, tôi phải chui vào chuồng heo bên cạnh mới chụp được được bức ảnh heo mẹ cho heo con bú”, anh Tùng kể.

Để chụp được bức ảnh này, anh Tùng phải canh gần một ngày
Để chụp được bức ảnh này, anh Tùng phải "canh" gần một ngày

“Người sáng mắt chụp ảnh muốn thế nào có thể điều chỉnh ngay. Còn người mù, có gì "lọt" vào khung hình ngoài ý muốn cũng không lường được, chỉ khi chụp xong người khác nói lại mới hay. Thú vị lắm!”, anh Tùng chia sẻ. 

Cách thể hiện tình yêu đặc biệt

Với những người khiếm thị, thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình bằng hình ảnh là một khái niệm xa vời. Thế nên khi được thử nghiệm với việc tưởng như không thể là chụp ảnh – họ có những cảm xúc rất đặc biệt.

Với người khiếm thị, chụp ảnh như là một cách đến với ánh sáng. 
Với người khiếm thị, chụp ảnh như là một cách đến với ánh sáng. 

“Tui không biết mặt mũi vợ mình ra sao, chụp ảnh cho vợ xong cũng nào không nhìn thấy. Nhưng nghe vợ khen, anh chụp ảnh đẹp quá thì tui hình dung được người vợ đã 23 năm sát cánh bên mình như thế nào”, anh Thân chia sẻ niềm hạnh phúc.

Ông Trương Văn Thới (Hội người mù huyện Bến Cát, Bình Dương) cho biết, từ lây ông rất khâm phục chị Nguyễn Ngọc Thủy Tiên là cán bộ sáng mắt làm việc ở hội. Chị Tiên là giáo viên, sau đó xin nghỉ dạy tình nguyện về làm việc ở hội người mù.

Qua song sắt cửa sổ, ông Thới chụp ảnh nữ nhân viên này đang ngồi làm việc. Với ông, bức ảnh không chỉ là “thử tài” hay để khám phá khả năng người mù vẫn có thể làm mọi việc như mọi người mà hơn hết thành quả này như là món quà biết ơn của ông dành cho cô gái trẻ chấp nhận làm việc tại một nơi rất thiệt thòi.

Với người khiếm thị, chụp ảnh như là một cách đến với ánh sáng. 
Ảnh chị Nguyễn Ngọc Thủy Tiên do ông Trương Văn Thới chụp

Phía sau mỗi bức ảnh mà tác giả là những khiếm thị luôn có những câu chuyện thú vị. Chụp ảnh với họ không chỉ để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống mà còn là cách để họ bày tỏ tình cảm, vượt qua bóng tối, chạm tay đến ánh sáng. Ánh sáng của những cảm xúc đối với cuộc sống và với những người họ thương yêu. 

 

8 người khiếm thị Bình Dương tham gia chụp ảnh nằm trong Dự án Photovoice do Viện nghiên cứu Xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện.  Qua hình ảnh, họ kể câu chuyện về sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của bản thân và cộng đồng để thể hiện chủ đề “Cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào?”.

Những bức ảnh được lựa chọn sẽ được triển lãm trong một không gian mở tại Hà Nội và TPHCM dự kiến vào tháng 9/2013 cùng với hình ảnh do nhóm thiểu số như người đồng tính, người có HIV… thực hiện nói về chuộc sống của chính họ.

AloBacsi.vn
Theo Hoài Nam - Dân trí

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới