Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Việc làm cho người khuyết tật
21:38, 07/10/2009
Xem hình
 
Theo báo cáo mới đây của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về người tàn tật và các văn bản pháp luật liên quan thì hiện có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo, gần 80% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động, gần 88% số người từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn, 79% đang sống dựa vào gia đình, người thân... Những con số trên cho thấy vấn đề sinh kế cho người khuyết tật vẫn là bài toán nhức nhối.

Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì ngày mai có địa chỉ tại 12/172 Lạc Long Quân, Tây Hồ là cái tên quen thuộc của nhiều bạn trẻ khuyết tật Hà Nội. Được thành lập từ năm 2002, đến nay Trung tâm đã đào tạo miễn phí và tạo việc làm cho hàng trăm trường hợp khuyết tật với nhiều nghề như may, thêu, thủ công mỹ nghệ...

Đặc biệt, tại Trung tâm đã hình thành các nhóm người khuyết tật làm cùng một ngành nghề và khi chín muồi các yếu tố như tay nghề hoàn thiện, có mối hàng ổn định, biết quản lý, hạch toán kinh doanh... thì sẽ tách ra thành các doanh nghiệp độc lập. Đây là mô hình được xem là hiệu quả trong việc tạo thu nhập cho người khuyết tật.

Trên thực tế việc làm dành cho người khuyết tật vẫn chủ yếu được tạo ra từ các cơ sở kinh doanh dành riêng cho họ, tức là những cơ sở có trên 51% lao động là người khuyết tật. Thống kê năm 2008, đã có 15.000 lao động là người khuyết tật làm việc ổn định trong 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật.

Trong khi đó, mặc dù công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhưng vì nhiều lý do, người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Kể từ khi có Pháp lệnh người tàn tật (năm 1998), số lượng người khuyết tật được học nghề ngày càng tăng, giai đoạn 1999-2004 có gần 19.000 người, giai đoạn 2005-2008 mỗi năm có khoảng 8.000 người.

Hiện tại trong cả nước có 260 cơ sở dạy nghề, trong đó 55 cơ sở chuyên biệt và 205 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật. Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật mỗi năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, với chương trình đào tạo phổ biến hiện nay là 3 tháng và kinh phí hỗ trợ hạn hẹp thì chỉ đủ cho người khuyết tật tạm biết việc chứ không thể sống bằng nghề được đào tạo. Hơn nữa, theo đánh giá của ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, năm 2008, tỷ lệ người khuyết tật được học nghề vẫn thấp, chiếm 12,1%. Phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện, rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Pháp luật lao động cũng quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải nhận từ 2-3% lao động là người tàn tật vào làm việc tùy theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp không nhận đủ tỷ lệ lao động là người tàn tật theo quy định phải đóng một khoản tiền vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật. Nếu thực hiện đúng như quy định này thì với hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước, con số lao động khuyết tật được tạo việc làm là rất đáng kể.

Và trong trường hợp số doanh nghiệp nhận người khuyết tật ít ỏi như hiện nay thì theo quy định trên, Quỹ việc làm cho người khuyết tật sẽ thu được số tiền không nhỏ. Thực tế thì quy định, chính sách về cơ bản đã đủ nhưng lại chưa có một chế tài nào cho việc xử lý những trường hợp doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định.

Bởi vậy, dù đã trải qua hàng chục năm thực hiện quy định này (kể từ khi Nghị định 81/CP được ban hành năm 1995), vẫn tồn tại nghịch lý số doanh nghiệp nhận đủ người khuyết tật vào làm tính trên đầu ngón tay, nhưng Quỹ việc làm cho người khuyết tật ở hầu hết các địa phương đều trống; nhiều cơ sở dành riêng cho người khuyết tật thì lại lao đao vì thiếu các nguồn hỗ trợ.

Hiện tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang cùng một số Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện Dự luật Người khuyết tật, đã xin ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ trình ra Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới. Trong đó, về cơ bản vẫn giữ nguyên những điều khoản liên quan đến đào tạo và tạo việc làm cho người khuyết tật. Việc ra đời Luật này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người khuyết tật, và rất cần những chế tài cụ thể để việc thực hiện luật được nghiêm.

Hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật đã tương đối đầy đủ

Pháp lệnh người tàn tật đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ năm 1998. Ngoài ra còn có 2 nghị quyết và 20 luật có quy định về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật, và để triển khai thực hiện nghị quyết, các luật và pháp lệnh, Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương đã ban hành trên 200 văn bản. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật tương đối đầy đủ và cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, đời sống người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Dự luật Người khuyết tật đang được hoàn thiện cũng đặc biệt lưu ý, bổ sung và sửa đổi các chính sách giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm... cho người khuyết tật. Từng bước điều chỉnh các chế độ trợ giúp đảm bảo người khuyết tật có mức sống bằng mức sống trung bình của cộng đồng. Đồng thời, sửa đổi các quy định về dạy nghề, việc làm cho phù hợp; ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật; đối với hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật phải đảm bảo bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng, bố trí công việc, cải tạo cơ sở vật chất bảo đảm môi trường tiếp cận để người khuyết tật làm công việc như những người bình thường khác.

Ông Trần Hữu Trung,
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Làm việc chung với người bình thường chưa hẳn là hòa nhập

Hiện nay nhiều người đang nghĩ một cách rất nhân văn là đừng tách người khuyết tật ra một môi trường riêng mà cần cho họ hòa nhập làm việc, sinh hoạt chung với người bình thường. Bản thân người khuyết tật rất muốn hòa nhập chứ không muốn có rào cản, nhưng để họ cùng làm chung một môi trường với người bình thường đôi khi rất khó khăn, bởi họ có những khuyết tật bộc lộ ra ngoài, cản trở hiệu quả công việc so với người bình thường.


Thế nên, theo tôi nói đến hòa nhập nên theo quan điểm mới: kết quả làm việc của họ có hòa nhập được không, sản phẩm của người khuyết tật có ý nghĩa với xã hội không... Có thể nhiều người khuyết tật không tự tin trước mắt người khác, nhưng họ tự tin trong môi trường làm việc với nhau, làm ra những sản phẩm được chấp nhận, nuôi sống họ, theo tôi đó là hòa nhập. Bởi vậy, rất cần có những chế tài cụ thể để thực hiện những văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật, đặc biệt ưu đãi cho những cơ sở đào tạo, sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật.

Bà Lê Minh Hiền,
Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt

Với đặc thù là một công ty chuyên về tư vấn và mua bán, lắp đặt thiết bị viễn thông, tin học nên công ty tôi chưa bao giờ nhận được những đơn xin việc của người khuyết tật và hiện cũng không có nhân viên nào là người khuyết tật. Công ty tôi hiện nay có rất nhiều vị trí cần tuyển mới như vị trí khảo sát, thi công, lắp ráp... nhưng không có vị trí nào phù hợp với với lao động là người khuyết tật vì phải đi lại nhiều và phải có kỹ năng chuyên môn.

Tôi cũng mới nghe nói về Dự án Luật người khuyết tật có thể sắp được ban hành, đó là việc làm cần thiết để có sự bình đẳng cho người khuyết tật, thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tuy vậy, mặc dù không hề có tư tưởng kỳ thị, phân biệt gì nhưng thực tế nếu phải tuyển người khuyết tật thì công ty tôi sẽ rất lúng túng, bởi không biết sắp xếp vào vị trí nào, đào tạo lại ra sao...

Vì vậy, theo tôi, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt với những cơ sở tạo được nhiều việc làm cho người khuyết tật chứ không nhất thiết phải đưa họ vào tất cả các doanh nghiệp, đôi khi lợi bất cập hại, cho cả phía người khuyết tật và doanh nghiệp nhận họ.

Anh Nguyễn Văn Thắng,
Giám Đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư viễn thông tin học - INCOM.,JSC

Hà Loan - Nguyễn Đệ

   
(Theo An Ninh Thu Do

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới