 Luật Người khuyết tật (NKT) có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội, tuy nhiên, do hạn chế về nhiều mặt, phải đến khi tiếp cận với Luật, NKT mới vỡ ra nhiều điều.
Hội NKT Ninh Bình trong một dịp thảo luận về chính sách NKT. Về việc xác định mức độ khuyết tật. Theo Điều16 Luật NKT thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do cấp xã thành lập, gồm các thành viên như “Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh cấp xã; người đứng đầu tổ chức của NKT cấp xã nơi có tổ chức của NKT”. Về cơ bản, thành phần Hội đồng bao gồm các đại diện từ cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, hội đặc thù tại cấp phường/ xã, đảm bảo tính dân chủ và công bằng trong việc xác định mức độ khuyết tật cho NKT. Tuy nhiên, với thành phần Hội đồng gồm đông đảo như vậy, khi xác định mức độ khuyết tật cho NKT tại địa phương, có thể xuất hiện cơ chế “ xin cho” hay “quen thân”, hoặc ngược lại “ trù úm” dẫn đến làm sai lệch kết quả hay kéo dài thời gian đưa ra kết quả mức độ khuyết tật, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của NKT. Theo Điều 18, khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, NKT hoặc người đại diện hợp pháp của NKT gửi đơn đến UBND cấp xã nơi NKT cư trú xin được xác định mức độ khuyết tật. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị của NKT, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng để tiến hành xác định mức độ khuyết tật. Trên thực tế, khó tập hợp Hội đồng gồm nhiều thành phần tới từ nhiều đơn vị khác nhau. Ở đây Luật quy định khá chung chung: “trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật…”, như vậy khó đảm bảo việc thống nhất được 1 ngày mà tất cả các thành viên trong Hội đồng có thể có mặt. Nên chăng luật nên quy định cụ thể 1 ngày cụ thể trong tháng để bản thân NKT cũng như thành viên Hội đồng có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách tốt nhất. Về những hành vi bị nghiêm cấm. Điều 14 Luật NKT có quy định rất chi tiết những hành vi bị nghiêm cấm trong cách đối xử với NKT, cụ thể: 1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. 2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. 4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật. 6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật. 7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật. Về cơ bản, đây là một trong những điểm mới so với Pháp lệnh người tàn tật năm 1998, phần nào giúp xóa bỏ rào cản với NKT, NKT được ghi nhận và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở chỗ, nếu có người vi phạm những quy định này thì sẽ xử lý ra sao, căn cứ vào đâu để xử lý? Nếu theo quy định tại Luật này thì không thấy có những quy định chế tài khi có những vi phạm xảy ra, thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Cộng đồng NKT đang mong chờ ban hành một Nghị định hướng dẫn Luật thấu tình đạt lý, mang tính lắng nghe, các quan hệ xã hội được điều chỉnh phù hợp, giúp NKT đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình với cộng đồng. Ngọc Lan Nguồn: Congluan |