21:42, 06/10/2009 |
(LĐ) - Năm 2008, Công ước về quyền của người khuyết tật (NKT) chính thức có hiệu lực. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực giúp NKT hoà nhập xã hội. Dưới đây là các chính sách dành cho NKT tại một số quốc gia.
NKT rất cần các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Nhật Bản: Ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho NKT
Nhật Bản là quốc gia đi đầu Châu Á trong lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Những chính sách quan trọng gồm: Thành lập quỹ NKT cơ sở để hỗ trợ kinh phí sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở cho NKT nghèo; Hoàn thiện hệ thống thang cuốn tại các nhà ga xe lửa, tạo những thiết bị thuận tiện cho NKT tiếp cận giao thông. Ngoài ra, Chính phủ Nhật áp dụng "Luật hỗ trợ sự tự lập của NKT" để NKT có thể lao động như người bình thường.
Trung Quốc: "Sweet Home" của NKT
Bắc Kinh có khoảng 1.400 "Sweet Home" dành cho NKT. Những "Ngôi nhà hạnh phúc" cung cấp nhiều loại dịch vụ, các khoá đào tạo văn hoá, thể lực, các chuyến dã ngoại. Các "Sweet Home" có chương trình phục hồi chức năng đặc thù, phù hợp với yêu cầu của từng NKT. Chương trình do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, có khoảng 45.000 NKT được chăm lo trong các "Ngôi nhà hạnh phúc". Giáo dục cho NKT cũng được ưu tiên với hệ thống gồm: Giáo dục cơ sở, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục cho người lớn tuổi.
Pháp: Ưu tiên của tổng thống
Trong hội nghị quốc gia về NKT ngày 10.6, Tổng thống Sarkozy tuyên bố: "Đối với tôi, NKT là một ưu tiên". Chính phủ Pháp sẽ huy động gần 3 tỉ euro để cải thiện khả năng hoà nhập xã hội của NKT trong lĩnh vực: Việc làm, nhà ở, đi lại, y tế, tăng 25% trợ cấp cho NKT lớn tuổi trong 5 năm tới. Chính phủ sẽ dành 6 triệu euro cho các dự án giúp NKT đi lại thuận tiện nơi công cộng.Mục tiêu của Pháp là nâng số cơ sở giáo dục đặc biệt cho trẻ em từ 1.239 lên 2.000 vào năm 2010. |