 Mới 20 tuổi, Võ Huỳnh Anh Khoa là vận động viên bơi lội khuyết tật có bề dày thành tích tại các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế. Nhưng hơn 60 huy chương các loại mà Khoa giành được có lẽ vẫn không bằng kỳ tích của Khoa trong cuộc đua với tử thần.
Bằng ý chí kiên cường, tình thương của gia đình mà đặc biệt là người mẹ, Võ Huỳnh Anh Khoa đã vượt qua định mệnh của mình. Ảnh: Trọng Văn Tôi gặp Khoa lần đầu tại buổi ra mắt cuốn sách ảnh Sức mạnh nụ cười và công bố chương trình đi bộ từ thiện vì trẻ em bị hở môi, hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh hàm mặt, diễn ra cuối tháng 1.2011. Với vai trò là đại sứ cho chương trình, người bạn trẻ chia sẻ: “Cuộc sống luôn có sự bù trừ, có thể nó lấy đi của ta cái này nhưng sẽ bù lại cái khác, những người khuyết tật như tôi cũng không vì thế mà mặc cảm tự ti, mà phải kiên nhẫn vì phía trước còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón”. Câu chuyện của nhà vô địch Anh Khoa kể: “Năm sáu tuổi tôi bị liệt hai chân do bị ung thư, không thể đi đứng, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác. Tuổi thơ của tôi bắt đầu làm bạn với bệnh viện, với những cơn đau chết đi sống lại. Bây giờ, đôi lúc nghĩ về quãng thời gian đó, tôi vẫn thoáng rùng mình khi nhớ tới kim tiêm, dao mổ, cùng những cơn đau quặn người”. Mọi chuyện bắt đầu vào một sáng nọ, đang vui chơi với bạn thì bé Khoa bị ngã, bạn đè lên người. Về nhà, người mẹ thấy con cứ kêu đau lưng và bụng. Không lâu sau, lưng cậu bé sáu tuổi còng xuống như một ông lão. Bôi dầu, xoa bóp bằng máy mà bệnh không đỡ, người mẹ cõng con đi chụp X-quang tại bệnh viện và được chẩn đoán: tụ máu bầm, bác sĩ kê toa bảo mua thuốc uống. Được ít hôm, con vẫn kêu đau, người mẹ lại cõng Khoa đi bệnh viện khác. Bác sĩ chẩn đoán: rối loạn tiêu hoá. Lúc này Khoa không thể đi đứng, nằm ngửa nằm sấp đều đau mà co quắp trên chiếc ghế bố. Một bác sĩ quen với gia đình hay tin, thăm khám và khuyên đưa cậu đi bệnh viện gấp. Tưởng chỉ khám, không ngờ Khoa phải nhập viện. Thời điểm vào bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cậu bé đã trong tình trạng không kiểm soát được chuyện vệ sinh, người mềm nhũn... Tối, mẹ thường phải ẵm Khoa ngủ ngồi trong tư thế kangaroo. Những người bệnh và thân nhân cùng phòng thương tình, người mang dầu nóng, người đưa thuốc giảm đau. Rồi người mẹ được chỉ dẫn đưa con qua trung tâm chẩn đoán y khoa Hoà Hảo, TP.HCM chụp MRI. Mẹ cõng con đi đến hai lần vì chỉ khi lưng và chân Khoa có thể duỗi thẳng ra một chút thì mới chụp được. Có kết quả chụp MRI, Khoa được chuyển qua khoa ngoại thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy. Bà Huỳnh Thị Phát, mẹ Khoa nhớ lại: “Kết quả MRI cho thấy một khối bướu chèn ngay đốt xương sống. BS Tấn Sơn sau khi thăm khám bảo chuyển lên mổ ngay. Lúc đó các bác sĩ chưa kịp ăn trưa, BS Sơn dặn các đồng nghiệp mổ thành công rồi đi ăn cũng chưa muộn”. Đến chiều, ca mổ thành công, khối bướu to bằng ngón tay cái được lấy ra. “Các bác sĩ đã cứu được mạng sống cho tôi, lúc đó ba mẹ tôi khóc, mẹ ngất đi vì vui sướng”, Khoa kể. Nhưng linh tính và nhìn khối bướu hình dạng như con rết khổng lồ vừa được lấy ra, người mẹ mơ hồ nghĩ đến một căn bệnh chẳng lành khác mà con trai đang đối mặt… “Tôi dám nhảy xuống nước”  “Đường đua cũng như cuộc sống, có nhiều khi đặt ra những cột mốc khắc nghiệt mà ta phải vượt qua, quan trọng là đừng nản lòng, phải cười để có động lực và niềm tin mà tiến về phía trước”. Ảnh: Lesy Các bác sĩ hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, tập vật lý trị liệu. Hai chân Khoa vẫn tê dại nhưng lưng đã duỗi ra được, vết mổ bình phục nhanh. Ít ngày sau, ba Khoa được gọi vào, bác sĩ lúc đó mới thông báo cậu bé bị ung thư tế bào sợi thần kinh – Neurosacoma, phải chuyển ngay đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM để điều trị! Trước đó, điều này được giữ bí mật vì sợ gia đình bị sốc. Dù đã có linh tính nhưng người mẹ bật khóc và lịm đi. Nhà nghèo, bà Phát xin bác sĩ được điều trị ngoại trú. Sáng, mẹ cõng con vô bệnh viện, vô xong ba bình thuốc chiều lại cõng về. Có lúc gia đình đã nghĩ đến chuyện bán nhà, đưa con ra nước ngoài điều trị nhưng nhờ lời khuyên của bác sĩ, họ ở lại. Riêng Khoa, lúc này đã hình dung những ngày kế tiếp sẽ sống với đôi chân tập tễnh nhưng vẫn tỏ ra lạc quan bởi thương mẹ cha. “Lúc bác sĩ lấy mẫu tuỷ để kiểm tra, thằng nhỏ còn động viên ngược lại tôi là không sao đâu mẹ. Vô thuốc hoá trị, xạ trị rất mệt nhưng nó lúc nào cũng tỏ ra cứng rắn”, bà Phát xúc động. Cứ vào ra bệnh viện gần hai năm, ngày nọ bác sĩ thông báo có thể xuất viện, định kỳ đến theo dõi. Hai mẹ con ôm nhau khóc như được cứu sống lần thứ hai… Khoa bắt đầu tập vật lý trị liệu, châm cứu. Mỗi lần nắn chân lại đau tê tái nhưng vẫn bặm môi chịu đựng. Được khoảng ba tháng thì chân bắt đầu chịu “nghe” điều khiển của đầu. Khoa cùng chị được mẹ dẫn qua hồ bơi Đại Đồng gần nhà để vừa tập, vừa được nhìn lũ bạn đồng lứa chơi đùa. Rồi cậu bé làm quen với việc học bơi. “Lúc mới nhảy xuống nước toàn thân tôi đau nhói, có lúc tưởng bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến gia đình, đến việc phải sống có ích hơn cho mình và mọi người nên tôi quyết tâm tập luyện”. Cứ tập luyện, bơi, chịu đau như vậy thì đến năm 2003, lần đầu tiên tham gia giải bơi dành cho người khuyết tật toàn quốc, Khoa được sáu huy chương vàng và một huy chương bạc. Từ những niềm vui đầu tiên đó, những kỳ thi đấu cả trong nước cũng như quốc tế sau đó, Khoa liên tục ghi tên mình vào vị trí cao nhất của bảng tổng sắp... Kình ngư trẻ đúc kết: “Quan trọng là tôi đã dám nhảy xuống nước. Đường đua cũng như cuộc sống, có nhiều khi đặt ra những cột mốc khắc nghiệt mà ta phải vượt qua, quan trọng là đừng nản lòng, phải cười để có động lực và niềm tin mà tiến về phía trước”. Khoa đang là sinh viên trường FPT APTECH. Ước mơ của nhà vô địch trẻ là trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. bài và ảnh Trọng Văn TS.BS Huỳnh Lê Phương, phó trưởng khoa ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM: Ý chí vượt thắng bệnh tật rất quan trọng Neurosacoma là một bệnh lý u ác tính của mô thần kinh ngoại biên và mô đệm chung quanh mô thần kinh. Điều trị chủ yếu và mang tính quyết định vẫn là phẫu thuật lấy “sạch” u. Điều trị hỗ trợ như xạ trị hay hoá trị tuỳ trường hợp cụ thể sẽ giúp ngăn ngừa hay kéo dài thời gian tái phát cũng như phòng ngừa di căn. Khám bệnh chuyên khoa, cùng với các phương tiện chẩn đoán hiện đại có thể phát hiện bệnh. Chẩn đoán sớm, điều trị đúng và thích hợp, kết hợp theo dõi định kỳ sẽ cho tiên lượng khả quan. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý lạc quan, ý chí vượt thắng bệnh tật của người bệnh không kém phần quan trọng. Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn: Khoa có một nghị lực phi thường Là người phát hiện và huấn luyện gần bảy năm cho Khoa, tôi chúc mừng em bởi em có được một nghị lực phi thường. Trong thể thao, ý chí đóng vai trò quyết định bên cạnh năng khiếu và điều kiện tập luyện. Đối diện với bệnh tật hiểm nghèo, Khoa vẫn đứng vững và còn xác lập những kỷ lục mà nhiều vận động viên khác trong khu vực phải mơ ước. Nguồn: Báo điện tử sài gòn tiếp thị media |