Bạn đã bao giờ đánh tennis trong tình trạng bị bịt kín 2 mắt chưa? Có thể nhiều người chưa từng nghe đến "Tennis mù" nhưng với người dân đất nước mặt trời mọc họ không còn xa lạ
gì với môn thể thao hấp dẫn này. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, bộ môn đặc biệt này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, đặc biệt là hội người khuyết tật ở Nhật Bản. Thậm chí, những người bình thường còn bịt mắt để tham gia thử thách môn "tennis mù", nhằm rèn luyện khả năng phán đoán và cảm nhận của mình. Ông Miyoshi Takei, một người khiếm thị, chính là “cha đẻ” của môn thể thao tennis mù. Ông bắt đầu chơi tennis từ khi còn nhỏ. Mục tiêu khi đó chỉ là đánh trúng quả bóng đang bay tới mà thôi, vì quả bóng bình thường bay trên không trung gần như không phát ra tiếng động. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông Miyoshi đã sáng tạo ra quả bóng tennis đặc biệt, nhẹ hơn và xốp hơn. Quả bóng phát ra tiếng kêu do được nhét vài viên sỏi bên trong, vậy nên người khiếm thị có thể phán đoán hướng đi của bóng qua khả năng thính giác. Phát minh mới của ông Miyoshi gặt hái thành công thực sự khi giải Tennis dành cho người khiếm thị toàn quốc tổ chức lần đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1990. Ngày nay, có hàng trăm vận động viên khuyết tật tham dự giải đấu hằng năm. Một số quốc gia khác cũng gửi vận động viên đến tranh tài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh và Mỹ.  Môn "tennis mù" diễn ra trên sân cầu lông, được kẻ vạch nổi nhằm giúp vận động viên cảm nhận được đường biên. Chiếc vợt tennis cũng khác thường, có kích thước nhỏ hơn. Người chơi phải đeo bịt mắt. Tùy mức độ khiếm thị, người chơi được quyền cho bóng nảy hai hoặc ba lần trước khi quyết định đánh bóng. Đáng buồn là ông Miyoshi không còn trên thế gian này để chứng kiến sự phát triển của môn "tennis mù". Ông qua đời cách đây một năm, do gặp tai nạn tàu tiện ngầm ở Tokyo, hưởng thọ 42 tuổi. Huy Hoàng Nguồn: Thethao |