Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



“Siêu kình ngư” Võ Thanh Tùng
08:35, 06/02/2012

Ai là tuyển thủ sớm giành được 2 chuẩn A, 1 chuẩn B dự Paralympic Luân Đôn 2012? Xin thưa ngay, đó là “siêu kình ngư” Võ Thanh Tùng, VĐV khuyết tật xuất sắc số 1 năm 2011 kiêm kỹ sư điện tử viễn thông.

Chuyện về Võ Thanh Tùng như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ. Nếu một nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh Việt Nam nào dựng thành phim, tin chắc sẽ hút khách. Bởi khi nghiền ngẫm kỹ các chương hồi về cuộc đời Võ Thanh Tùng, tôi thực sự cảm thấy hứng khởi và ngưỡng mộ tuyển thủ khuyết tật tài năng này.

Sinh năm 1985 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhưng bi kịch đã sớm ập xuống cậu bé Võ Thanh Tùng. Năm 4 tuổi, Tùng bị sốt bại liệt khiến đôi chân teo tóp.

Vậy mà năm 7 tuổi, Tùng đã biết bơi.

Lớn lên, Tùng cùng cha rong ruổi khắp miền Tây trên một chiếc ghe nhỏ. Bố Tùng hàng ngày kiếm sống bằng rèn dao. Còn cậu út Thanh Tùng thì kiếm ăn cho gia đình bằng cách mò cua, bắt ốc.

Sau này, Võ Thanh Tùng thi đỗ vào Trường Trung cấp điện tử tại Cần Thơ. Trước đó, hồi học trung học phổ thông, nhà nghèo, không có đèn điện, Tùng đọc từng trang sách, làm bài tập nhờ ánh đèn đường cao áp. Nghe Tùng kể đến đây, không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến chuyện Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lúc nhỏ nhờ biết chủ động tự học, bắt đom đóm bỏ vỏ trứng để dùi mài kinh sử, sau đỗ Trạng nguyên, rồi đi xứ làm rạng danh nước nhà, được phong "Lưỡng Quốc Trạng Nguyên" tiếng thơm muôn thuở. So sánh Võ Thanh Tùng với “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” thì quả là “hỗn” với cụ Mạc Đĩnh Chi. Nhưng chuyện Tùng học nhờ ánh đèn cao áp bên đường thì đúng là kính nể.

Hồi mới tìm đến thể thao, Thanh Tùng gia nhập Hội thể thao người khuyết tật Cần Thơ. Ngày đó, Tùng theo học môn cầu lông, với mong muốn được hòa nhập xã hội và được cấp quần áo, dụng cụ thi đấu. Ai ngờ, đó chỉ là trò đùa có phần ác ý của chúng bạn. Nhà nghèo, không có tiền mua vợt cầu lông, Thanh Tùng chuyển sang bơi, khi đó là giữa năm 2005. Thi đấu ở môn bơi, Tùng có hai ý nghĩ. Thứ nhất, không phải mua sắm dụng cụ thi đấu. Thứ hai, mỗi khi xuống nước Tùng không còn nghĩ mình là người khuyết tật dù khi luyện tập lẫn thi đấu, chàng trai quê Phú Tân này phải “vắt” vào nhau cho đỡ cản nước.

Chỉ sau vài tháng tập luyện, Thanh Tùng đã gây được tiếng vang khi đoạt 3 HCV ở cả ba cự ly bơi 50m bướm, 50m tự do và 100m tự do tại Giải vô địch bơi lội người khuyết tật toàn quốc 2005. Đến nay, Thanh Tùng đã 7 năm liên tiếp không có đối thủ ở các nội dung này tại các giải vô địch toàn quốc. Trong bộ sưu tập huy chương đồ sộ của Thanh Tùng, nổi bật nhất là chiếc HCV 50m tự do và HCB 100m tự do tại Asian Para Games 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc); đây cũng chính là giải đấu mà Thanh Tùng đã đạt 2 chuẩn A (50m, 100m tự do) và 1 chuẩn B (50m bướm) tham dự Paralympic Luân Đôn 2012.

Tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Võ Thanh Tùng đã xuất sắc đánh bại các đối thủ nặng ký, mang về tấm HCV ở nội dung 50m bơi tự do hạng thương tật S5 (bại liệt), qua đó đã ghi tên mình vào danh sách những người hùng của thể thao người khuyết tật châu Á. Hôm sau tranh tài, Võ Thanh Tùng tiếp tục giành thêm tấm HCB cá nhân ở nội dung 100m bơi tự do khi liên tục bám đuổi sát sao với VĐV người Nhật Bản. Ở tuổi 26, Võ Thanh Tùng đang sinh sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ, với nghề sửa điện thoại di động, để trang trải cuộc sống và để chăm lo cho người mẹ đang bị ốm.

Học xong trung cấp, Võ Thanh Tùng tiếp tục học liên thông lên đại học để có được tấm bằng kỹ sư điện tử viễn thông. Ra trường với trình độ chuyên môn khá, Thanh Tùng được nhận vào làm ở nhiều hãng kinh doanh điện thoại nhưng anh vẫn không từ bỏ nghiệp bơi.

Cứ mỗi lần đến giải đấu lớn, Võ Thanh Tùng phải gác lại mọi công việc để tập luyện và thi đấu. Kết quả là anh bị đuổi việc sau mỗi lần dự giải. Công việc của chàng trai họ Võ chỉ ổn định từ khi trở thành người phụ trách chính về kỹ thuật của một cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại tại Cần Thơ. Để có thêm thu nhập, Thanh Tùng còn làm nhiều nghề khác, trong đó có dạy bơi cho trẻ em.

Cùng với những khoản tiền thưởng từ thi đấu, sau Asian Para Games 2010, Thanh Tùng đã mua được một căn nhà gần 80m2 tại huyện Bình Thủy, Cần Thơ để báo hiếu cha mẹ. Võ Thanh Tùng từng tâm sự: "Tôi đến với bơi không chỉ bởi đam mê và năng khiếu. Ở dưới nước, tôi không cảm thấy mình là người khuyết tật. Mỗi tấm huy chương giành được luôn mang ý nghĩa khác nhau nhưng đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Chính những thành công trên đường đua xanh là động lực để tôi sống mạnh mẽ và tự cảm thấy có ích cho đời".

Thu Giang

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới