“Khoảng 90% đàn ông khuyết tật có thể lập gia đình với người vợ đúng tiêu chuẩn, nhưng tỷ lệ này đối với phụ nữ khuyết tật rất ít ỏi. Điều đó xuất phát một phần từ định kiến xã hội, gia đình và trong chính bản thân người khuyết tật (NKT)”.
Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Dự án Trung tâm sống độc lập – đã chỉ ra như vậy trong một Hội nghị quốc gia về tình dục và sức khỏe được tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Khát khao được bình đẳng trong tình yêu, tình dục Bà Hồng Hà cùng cộng sự của mình đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ về Cơ hội để có tình yêu, tình dục từ góc nhìn của những phụ nữ khuyết tật (PNKT). Lý giải cho sự lựa chọn này, tác giả nghiên cứu cho rằng: Phần lớn các chương trình nghiên cứu, chính sách cho NKT chủ yếu là về giáo dục, vay vốn, tạo cơ hội việc làm… nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho NKT, nhưng không ai nghĩ đến mảng quan trọng là tình cảm, trong đó có tình dục. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về nhu cầu sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục của PNKT.  Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, Theo bà Hồng Hà, nhiều gia đình có NKT thường giành hết sự quan tâm, bao bọc, đỡ đần hoàn toàn cho con em khuyết tật của mình. Họ coi đó là cách để bù đắp lại những thiệt thòi của NKT. Nhưng chính điều đó đôi khi lại không đúng với ý nguyện của người trong cuộc, như bộc bạch của chị Lê Nguyệt A. – một người phụ nữ hơn 30 năm sống chung với tật nguyền ở Đông Anh, Hà Nội: “Dù là NKT, các em cũng muốn tự làm những việc cơ bản, tự lập của một người phụ nữ như rửa bát, nấu cơm, cắm hoa… Được chia sẻ, bộc bạch những điều thầm kín. Có nhiều trường hợp, chính gia đình lại tước mất cơ hội học hỏi của NKT”. Hầu hết các gia đình có con gái khuyết tật cho rằng, PNKT là người không hoàn hảo, do đó không thể thực hiện thiên chức của người phụ nữ như chăm lo gia đình hay quan hệ tình dục, thậm chí “tốt nhất là quên chuyện đó đi”! Chính định kiến trong gia đình đã vô tình khiến PNKT không có động lực muốn trở thành một người yêu, người vợ, người mẹ. Một số khác, do không được định hướng, chia sẻ đầy đủ, đúng đắn về sức khoẻ sinh sản, nhiều em đã tự mày mò, tìm tòi kiến thức về sức khoẻ sinh sản, dẫn đến cách hiểu sai lệch. Bà Hồng Hà chia sẻ: “Không có nghiên cứu chính thức, nhưng theo quan sát của chúng tôi, khoảng 90% nam giới khuyết tật có thể lập gia đình với người vợ đúng như mong đợi, nhưng tỷ lệ này đối với người phụ nữ khuyết tật rất ít ỏi”. Còn lãnh đạo một tổ chức về NKT cũng nhận định: Phụ nữ luôn là người chịu thiệt thòi, không thể bình đẳng với nam giới trong quyền tình yêu, tình dục. Phụ nữ khuyết tật lựa chọn quyền sinh sản, tình dục ra sao? Công ước quốc tế năm 2007 đã có một chương về NKT, khẳng định quyền được yêu, có gia đình, có con ngoài giá thú của PNKT. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn PNKT không coi mình có quyền mong muốn được hưởng hạnh phúc, có gia đình và tình dục và coi điều này cần được kìm nén. Theo bà Hồng Hà, họ đã tự từ chối cơ hội dù có quyền được nắm trong tay cơ hội đó. “Bản thân người PNKT đã từ chối cơ hội cho mình, buông xuôi không đấu tranh để được hạnh phúc. Họ quy kết đó là số phận. Bỏ qua nhiều cơ hội, họ quay trở lại khắt khe với chính mình, với tình yêu” – Giám đốc dự án Trung tâm Sống tự lập thẳng thắn nói. Không ít người cơ hội đến tận tay, nhưng chỉ vì nghĩ rằng: Mình sẽ là gánh nặng cho chồng nên đã buông tay, đánh rơi hạnh phúc. Vì cơ hội lấy chồng rất ít nên một số PNKT đã lựa chọn hình thức sống chung với bạn tình mà không kết hôn. Theo bà Hồng Hà, xét ở một khía cạnh nào đó, đây là phương pháp để người phụ nữ khuyết tật tiếp cận dần với quyền được yêu, và tình dục. Một lựa chọn khác được khá nhiều phụ nữ khuyết tật lựa chọn, đó là tìm một người đàn ông có thể cho họ một đứa con và họ làm mẹ đơn thân. Như tâm sự của một người PNKT tại Từ Liêm, Hà Nội: “Tôi chỉ mong có một đứa con gái để sau này đi đâu đỡ phải nhờ ai đèo”. Ước mơ nhỏ nhoi đó nhưng là hạnh phúc một đời mà người PNKT mong mỏi. Bản thân những NKT cũng có những khát khao chính đáng, mong muốn tìm hiểu các vấn đề về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục. Họ cũng muốn tìm hiểu, chia sẻ hơn về tâm lý vợ chồng, yêu đương như những người khác. Theo bà Nguyễn Hồng Hà, vấn đề tình yêu và giới tính của PNKT cần được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông để gia đình, cộng đồng nhìn nhận đúng đắn, sẵn sàng chia sẻ. “Như đã nói ở trên, vai trò của gia đình rất quan trọng. Các gia đình cần nhận thức đúng về vấn đề tình yêu, tình dục của PNKT và chăm lo đến việc giáo dục giới tính cho những người con gái khuyết tật. Đối với bản thân PNKT, họ cũng cần tham gia tích cực vào mạng lưới hoặc nhóm tự lực, những lớp tập huấn về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản; tham gia các buổi giao lưu về tình yêu, hạnh phúc và hôn nhân gia đình” – bà Hồng Hà nói. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nước ta có khoảng 6,7 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số), trong đó 3,6 triệu là phụ nữ. Ước tính gần 50% phụ nữ khuyết tật đang ở độ tuổi kết hôn. Mặc dù cuộc sống của PNKT đã được cải thiện rất nhiều nhưng trong tình yêu và hôn nhân họ vẫn gặp phải rất nhiều trắc trở. Chỉ có khoảng 7% tìm được “một nửa” của mình còn lại chấp nhận sống độc thân. Theo nghiên cứu về phụ nữ khuyết tật đơn thân trên địa bàn Hà Nội của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Cộng đồng (ACDC), tỷ lệ phụ nữ khuyết tật đơn thân nhưng chưa kết hôn lớn nhất chiếm 86,8%, sau đó là li hôn 5,7% và tiếp đến là 3,8% góa chồng. Theo hervietnam.com |