Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Chuyện tình của cựu vận động viên khuyết tật
21:19, 03/09/2012

Vợ chồng họ đều là người khuyết tật. Chàng thiếu đi đôi mắt và nàng thiếu đi đôi chân. Thế nhưng, họ đã bù lấp sự thiếu khuyết cho nhau để tạo nên một gia đình hạnh phúc với những đứa con đẹp như thiên thần và một câu chuyện tình đẹp

như trong cổ tích của những người biết vượt lên trên sự nghiệt ngã của số phận với tinh thần “tàn mà không phế”.

Đến với nhau để bù đắp những thiếu khuyết của số phận

Khi mới sinh ra, Tạ Đình Hán khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, càng lớn đôi mắt anh càng mờ đi. Cho đến năm học lớp 3, Hán gần như không còn nhìn thấy gì. Nhưng vì không muốn bỏ học, anh vẫn cố gắng đến trường đi học cùng các bạn.

Sự cố gắng ấy cũng không kéo dài được lâu bởi khi lên đến lớp 5 thì đôi mắt anh hoàn toàn không còn thấy gì nữa ngoài những chiếc bóng mờ ảo vì thoái hóa võng mạc sắc tố. Đến lúc này, Hán buộc phải bỏ dở việc học dù anh không hề mong muốn.

Vợ chồng anh Hán - chị Thanh bên hai con

Thương con, bố đưa Hán đi chữa trị khắp nơi. Cứ nghe giới thiệu đâu có thầy thuốc là ông tìm đến. Lúc bấy giờ, anh trai Hán mới gặp tai nạn mất trí nhớ. Đồng lương của bố và thu nhập từ quán nước chè vỉa hè của mẹ phải rất vất vả mới lo được thuốc men cho con.

Nhưng dù có chạy chữa khắp mọi nơi từ Đông y tới Tây y thì đôi mắt của Hán vĩnh viễn không thể nhìn lại được nữa.

Năm 2000, bố đưa Hán vào sinh hoạt ở Hội người mù Quận Hoàn Kiếm. Ở đây, anh được học lớp xóa mù bằng chữ nổi và tham gia một khóa văn thể của Hội với những môn học như đánh đàn, khiêu vũ, đánh bóng và sau đó là dành một năm để học nghề tẩm quất, bấm huyệt và massage.

Trong một lần nghe đài, anh biết đến CLB luyện tập thể thao dành cho người khuyết tật trên phố Khúc Hạo. Anh đến gặp Giám đốc và xin được theo học. Ban đầu, ông có phần ái ngại nhưng cũng muốn cho anh một cơ hội nên đã giới thiệu anh vào bộ môn điền kinh.

Hán là trường hợp đầu tiên ở bộ môn điền kinh là người khiếm thị. Không phụ tấm lòng của Giám đốc, Hán đã nỗ lực luyện tập hết mình. Trong thời gian thi đấu tiền Para Games, anh đã giành được 3 Huy chương Bạc các hạng mục nhảy cao, nhảy xa và chạy. Nhờ đó, anh được chọn vào đội tuyển thi đấu chính thức.

Trong thời gian luyện tập, anh gặp một cô gái rất cá tính và thường hay tranh luận với anh về thể thao. Từ chỗ quý mến nhau, họ đem lòng yêu thương nhau thật sự. Cô gái ấy tên là Thanh, nhà ở Gia Lâm. Cũng giống như Hán, Thanh là người khuyết tật, cô bị mất một chân vì tai nạn.

Từng là cô gái khỏe mạnh, vui vẻ và rất hoạt bát nhưng sau tai nạn giao thông cướp của cô một chân, Thanh sốc nặng. Khi đó, cô thường ngồi trong buồng bệnh và khóc suốt ngày với ý nghĩ, cuộc đời cô đã không còn gì nữa.

Rồi có một ngày, khi cô vào Bệnh viện khám và vô tình bắt gặp hình ảnh một cậu bé mù đang lần bước chân dọc hành lang bệnh viện. “Mình mất chân thì có thể dùng chân giả còn bạn ấy thì chẳng thể nhìn được cuộc sống” – Thanh tự nhủ và từ đó, cô gạt nước mắt, trở lại trường học.

Sau khi tốt nghiệp cấp III, cô thi vào khoa Kế toán, trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh. Tốt nghiệp, Thanh xin làm công nhân cho nhà máy sản xuất đồ điện của Nhật ở khu công nghiệp gần nhà.

Để luyện tập sức khỏe nên mỗi buổi sáng, Thanh đạp xe từ Gia Lâm sang SVĐ Khúc Hạo để tập chạy, chính ở đó cô đã gặp Hán – tình yêu của cuộc đời mình.

Vợ chồng anh chị đã và đang cùng nhau vượt qua mọi mặc cảm và cả những ánh mắt hoài nghi của người đời để vươn lên trong cuộc sống.

Hán bảo rằng, mắt anh không phải mù hoàn toàn như những người khác mà vẫn có thể cảm nhận được xung quanh từ những cái bóng. Vì vậy trong suốt quá trình tập luyện thể thao và cả thi đấu, anh vẫn chạy đúng đường là nhờ cái bóng của người bên cạnh.

Thời gian tập luyện, bóng của Thanh luôn bên cạnh giúp Hán chạy đúng đường. Nhờ cái bóng thân thuộc ấy, Hán đã đuổi kịp cô bạn gái xinh đẹp và rồi khiến cô chấp nhận làm “đôi mắt” cho anh suốt cuộc đời.

Phải sống đàng hoàng như bao người bình thường khác

Thời gian ấy, cứ sau giờ tập luyện, tranh thủ thời gian rỗi, Thanh lại đạp xe chở Hán đi dọc đường Thanh Niên lộng gió. Chị bảo rằng, dù không nhìn rõ đường nhưng anh Hán lại chỉ đường rất chính xác.

Nhiều người tò mò hỏi vì sao anh lại có thể nhớ đường giỏi thế! Anh bảo rằng, không chỉ riêng anh mà những người khiếm thị đều có thể nhớ đường tốt.

Một phần vì được trời phú cho khả năng cảm nhận, một phần vì thính giác và vị giác tốt, mỗi khi qua phố gì cũng cố để nhận ra sự khác biệt của các con đường. Ví dụ như khi đi trên đường Nguyễn Du, anh sẽ cảm nhận được mùi hương hoa sữa.

Còn khi đi trên phố Hàng Mã, mùi giấy là điểm riêng biệt để anh cảm nhận trên từng ngõ ngách. Nghe Hán nói, Thanh phục lắm. Và cứ thế, họ gắn bó với nhau. Tình cảm của họ lớn dần theo năm tháng trên chiếc xe đạp cà tàng.

Biết Hán và Thanh yêu nhau, cả hai gia đình không phản đối nhưng cũng chẳng ủng hộ. Họ hiểu rằng, với một người bị lòa, một người khuyết chân thì cuộc sống sẽ vất vô cùng vất vả nếu gắn bó với nhau. Bố Hán bảo:

“Hai đứa đều tật nguyền, lấy nhau rồi cuộc sống gia đình, rồi con cái sẽ ra sao…?”. Lúc bấy giờ, Hán còn có một công việc khác là làm mẫu vẽ. 9 năm làm mẫu không phải thời gian ngắn nhưng đó chỉ là công việc mang tính thời vụ, không hợp đồng, không bảo hiểm.

Khi nhận lời yêu Hán, Thanh khuyên anh nên tìm một công việc cụ thể để lo cho cuộc sống lâu dài của mình.

Họ cưới nhau trong sự hoài nghi của những người quen và sự âu lo của những người thân về một hạnh phúc mong manh của hai con người tật nguyền với hàng loạt nhưng khó khăn phải đối diện trước mắt.

Mặc kệ những dư luận xung quanh, Thanh vẫn một lòng làm “đôi mắt” cho chồng mình. Thanh bảo: “Cứ nắm tay nhau, hướng về phía trước, ngại gì không thể tát biển Đông nếu thuận vợ thuận chồng”.

Cưới nhau xong, không thể phụ thuộc vào công việc của Thanh, hai vợ chồng tính kế làm ăn lâu dài. Sẵn nghề xoa bóp bấm huyệt mà Hán từng học, Thanh bàn với chồng mở quán tẩm quất. Cơ sở tẩm quất người mù đầu tiên của vợ chồng Thanh ra đời ngay tại căn nhà 10m2 mà bố mẹ Hán cho con.

Phần sàn tầng 1, họ kê 3 chiếc giường và các dụng cụ chuyên dụng trong công việc tẩm quất. Sau khi mở quán, vợ chồng Thanh mời những người bạn của chồng từng sinh hoạt ở Hội người mù quận Hoàn Kiếm về làm việc cùng.

Thời điểm ấy, mở quán tẩm quất là một khó khăn vì nhiều người hoài nghi về các loại dịch vụ này. Không ít quán tẩm quất treo biển người mù nhưng thực chất chỉ là hoạt động mại dâm trá hình.

Để khẳng định sự nghiêm túc của cơ sở, Thanh thêm chữ “thật” vào đằng sau tấm biển hiệu của cơ sở tẩm quất.

Thời gian đầu, quán chỉ hoạt động cầm chừng nhưng lâu dần, cửa hàng “Tẩm quất người mù thật” của họ bắt đầu có khách. Thanh tâm sự: “Mình không có cách nào để tiếp thị nên bảo với nhân viên cố gắng làm thật tốt để khách giúp mình giới thiệu với những người khác”.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng của vợ chồng Hán – Thanh tăng lên từng ngày. Đó là động lực và cơ sở để cô mở thêm một chi nhánh nữa với sự hỗ trợ cho vay từ Hội người mù Quận Hoàn Kiếm.

Điều khiến Thanh mừng nhất là ngay khi mở rộng hoạt động kinh doanh thì cũng mời được 6 người bạn cũ của Hán về làm cùng. Dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp họ có thêm trang trải cho cuộc sống của bản thân và phụ giúp một phần cho gia đình.

Thanh bảo rằng, cuộc sống dù khó khăn, vất vả chị đều chịu được nhưng khi bắt đầu có con nhỏ, mọi chuyện trở nên phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

Ngày chị có mang cậu con trai đầu lòng, cứ mỗi lần nhìn chồng là chị lại sợ di chứng của chất độc da cam sẽ ảnh hưởng tới con. Cho đến khi vào phòng sinh, tâm trạng chị vẫn rối bời. Khi đó, bác sĩ nói với chị:

“Chân cháu như vậy, không đẻ thường được đâu” nhưng chị kiên quyết: “Cháu làm được, cháu muốn sinh con như những người bình thường”. Và chị đã sinh con như những người bình thường khác và cũng rất may mắn, cả hai đứa con của chị đều ra đời mạnh khỏe.

Anh Hán thường nói đùa với mọi người rằng: “Vợ chồng tôi ghép lại thì là một cặp đôi hoàn hoàn hảo đấy”.

Với đôi mắt sáng của chị và đôi chân lành lặn của anh, hơn cả là một nghị lực sống vô cùng mạnh mẽ, họ đã và đang cùng nhau vượt qua mọi mặc cảm và cả những ánh mắt hoài nghi của người đời để vươn lên trong cuộc sống.

Theo Phunutod

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới