Ðường vào Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm (xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất) chỉ là một lối đi nhỏ, mấp mô bên mương dẫn nước cho cánh đồng Dị Nậu. Tại đây, những học viên là người khuyết tật,
trẻ mồ côi được những người có tấm lòng nhân ái giúp đỡ, đào tạo nghề để họ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Những tấm lòng nhân ái Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh dạy may ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm (xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất) chia sẻ với chúng tôi: ' Bốn năm dạy nghề cho các em khuyết tật, lúc nào tôi cũng phải tự nhủ mình phải thật nhẫn nại. Có đôi lúc tôi cảm thấy nản, muốn từ bỏ công việc vất vả này, nhưng rồi nhìn các em, lại thương, lại cố gắng'. Giảng dạy cho những học sinh bình thường vốn đã rất cần sự nhẫn nại, sự cảm thông của người giáo viên, nhưng giảng dạy cho người khuyết tật, sự nhẫn nại đó phải cao gấp mấy chục lần, còn sự cảm thông đã trở thành tình cảm yêu thương, gắn bó. Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm không chỉ thu nhận những em có khuyết tật về chân tay mà còn nhận cả những em khiếm thính, bị thiểu năng trí tuệ. Dạy các em tật nguyền không thể áp dụng cách dạy thông thường, mà phải cầm tay chỉ việc, phải ra hiệu, đơn giản hóa tất cả các bước. Phải dạy thật chậm rãi, từ từ, nhẹ nhàng. Giao tiếp với các em đã khó, việc truyền tải kiến thức cho các em còn khó hơn. Cô giáo Hạnh kể: 'Có những khi dạy cho các em bị khiếm thính, cô với trò không hiểu ý nhau, cô cứ ra dấu mà trò vẫn lắc đầu liên tục. Những lúc đó phải để các em nghỉ, đi ra ngoài cho bình tĩnh, rồi sau đó mới dạy lại. Thậm chí khi các em làm sai mình vẫn phải khen, phải động viên để các em chịu làm tiếp'. Tâm lý của người khuyết tật, nhất là người bị thiểu năng trí tuệ hay thất thường. Những giáo viên như cô Hạnh phải thật sự nhẹ nhàng, tinh ý. 'Các em thích làm mới làm, không thích là không làm. Mà phải thấy giáo viên ngồi làm các em mới chịu làm theo' chị Hạnh kể. Trong căn phòng đặt khoảng 50 cái máy may, những đôi tay cong cong của các học viên tật nguyền chật vật mãi mới xếp được những nếp vải, run run đưa qua đầu mũi kim. Những đôi chân nhỏ xíu ẩn trong chiếc giày đế cao đến hai chục phân, cố gắng ấn vào bàn đạp điện của máy may. Những đường kim lúc nhanh, lúc chậm, không đều. Có em phải để bàn đạp điện lên tận chỗ ghế ngồi vì đôi chân của em không thể với xuống đất được. Trung tâm hiện dạy nghề cho 100 học viên, từ 13 đến 25 tuổi. Ðến với trung tâm, mỗi em là một hoàn cảnh, một số phận. Có em, ngày đầu đến đã khóc mà nói rằng, đây là lần đầu em được nhìn thấy ánh mặt trời. Hỏi ra mới biết, do bị tật nguyền nên bố mẹ em không dám cho em ra ngoài, em phải ở trong nhà từ nhỏ. Ở trung tâm, bên cạnh những học viên ngoại trú, còn có 40 em đến từ các tỉnh xa, được ở nội trú miễn phí ngay trong trung tâm. Các em cùng ăn, cùng ở, cùng học và làm việc với nhau. Người chân tay lành lặn làm giúp người chân tay tật nguyền. Người nói được 'nói hộ' cho những người khiếm thính. 'Trung tâm giống như một gia đình lớn. Ai cũng phải luôn cố gắng', anh Ðỗ Hữu Khương, cán bộ quản lý trung tâm cho biết. Vẫn còn nhiều khó khăn Năm nay 23 tuổi, nhưng Ðỗ Hữu Khương đã có năm năm kinh nghiệm giúp mẹ là bà Vũ Thị Xiêm điều hành hoạt động của trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập vào năm 2006. Bản thân Khương cũng là một người khuyết tật, nhưng may mắn là anh đã được chữa khỏi. Vì thế, Khương rất muốn được làm điều gì đó để giúp đỡ những người cũng có hoàn cảnh như mình. Tâm sự của anh đã được người mẹ hết mực yêu thương ủng hộ và giúp đỡ. Ban đầu, trung tâm chỉ là một lớp học may nho nhỏ ngay tại căn nhà của gia đình Khương. Không ít người thân quen đã phản đối, không ít lần bế tắc không tìm ra kinh phí để duy trì hoạt động, đã vài lần muốn bỏ cuộc nhưng rồi cứ trăn trở khôn nguôi, hai mẹ con lại tiếp tục. Anh trai và chị gái của Khương đều quay về trung tâm để giúp mẹ điều hành công việc. Sau chặng đường năm năm đầy khó khăn, trung tâm đã được xây dựng trên khu đất hai ha, tiếp nhận và đào tạo thành công nghề cho hơn 1.500 lao động với các nghề mây tre đan, mộc dân dụng và may công nghiệp. Mỗi năm có khoảng hơn 100 lao động được đào tạo nghề mây tre đan, có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ hai đến ba triệu đồng/tháng. Khoảng 80% số học viên sau thời gian học có thể về địa phương tự mở cơ sở làm nghề, dạy nghề hoặc đi làm cho các cơ sở khác. 16 giáo viên của trung tâm đều có bằng cấp sư phạm, thường luân phiên dạy tại trung tâm và đi đến các địa phương khác để dạy nghề tại chỗ. Mới đây, Hội Hữu nghị Hàn - Việt phối hợp Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) đã tài trợ hơn 164 nghìn USD để xây dựng, mở rộng Trung tâm Dạy nghề với quy mô mỗi năm đào tạo nghề cho 400 - 500 lao động. Tuy nhiên, trung tâm hiện nay vẫn phải đối mặt hàng loạt khó khăn chồng chất, anh Khương cho biết: 'Sản phẩm do người khuyết tật làm chất lượng thường không cao, năng suất thấp, do đó, để trụ vững trên thị trường là vấn đề vô cùng nan giải'. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề lớn khác, vượt ngoài khả năng xoay xở của trung tâm, đòi hỏi sự giúp đỡ của cả cộng đồng như: kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, chính sách để 'giữ chân' đội ngũ giáo viên tâm huyết, tạo việc làm ổn định cho các em sau khi ra trường... Nhìn những gương mặt hạnh phúc của học viên lớp may ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm sau khi các em may xong những chiếc áo đồng phục, chúng tôi cảm nhận được ý chí vượt khó vươn lên của các em. Các em nỗ lực vươn lên, vượt qua chính bản thân mình, cố gắng học nghề để có cơ hội tìm việc làm, nuôi sống bản thân, để không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội. Những khát khao đó đang được những tấm lòng nhân ái của Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm chắp cánh trở thành hiện thực... Bài và ảnh: NGUYÊN TRANG Nguồn: Báo Nhân Dân |