Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
08:49, 13/10/2010
Với hơn 5 triệu người khuyết tật trên cả nước, có lẽ vấn đề nan giải trước tiên mà họ phải đối mặt đó là học nghề.Các trường dạy nghề trên cả nước không phải là ít song lại không có nhiều cơ hội cho họ, đặc biệt là những người khuyết tật vận động và khiếm thính, khiếm thị có cơ hội theo học. Xin giới thiệu một số cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội.

Cơ sở dạy nghề “gia đình”

Gọi là cơ sở dạy nghề gia đình bởi lẽ các cơ sở dạy nghề này đều có xuất phát điểm là do các cá nhân tự thành lập và điều hành. Với hơn 300m2 nhà xưởng và trên 30 đầu máy khâu công nghiệp, máy chuyên dụng, anh Nguyễn Mạnh Tuân đến từ Nam Hà đã có năm năm thâm niên dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Trung tâm hướng nghiệp - phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật của anh tiếp nhận người khuyết tật vận động, người khiếm thính đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Người theo học sẽ không phải nộp bất kỳ một khoản tiền nào ngoài tiền ăn (khoảng 150.000đ/tháng) và được học dưới dạng truyền nghề, học trực tiếp trên máy trong khoảng ba tháng. Học viên ngoại tỉnh được ở lại cơ sở. Học viên học xong có nguyện vọng ở lại cơ sở làm việc sẽ được tiếp nhận ngay. Học viên tại đây còn được tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại CLB Khúc Hạo.

Anh Tuân cho biết: “Do đã nhiều năm làm trong ngành may nên tôi có được khá nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các cháu làm không hết việc. Lương trung bình trên 600.000đ/người/tháng, có cháu lương trên 1 triệu đồng/tháng”. Hiện cơ sở của anh vẫn mở rộng cửa với những người khuyết tật khắp mọi miền. Ngày 6-4 vừa qua, anh vừa khai giảng một lớp cho 15 người khuyết tật miễn phí hoàn toàn (ăn, ở và học phí) tại địa chỉ 45 đường 11, An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.

Cơ sở dạy vi tính cho người khuyết tật của anh Lê Đình Tuấn có trụ sở tại 17/9 phố Huỳnh Thúc Kháng là địa chỉ cho các bạn khiếm thị có cơ hội tiếp cận miễn phí với khoa học hiện đại. Với các phần mềm được hỗ trợ bởi âm thanh, người khiếm thị có thể soạn thảo văn bản và sử dụng những chức năng cơ bản của máy tính. Ngoài ra, các bạn khiếm thính, khuyết tật vận động đến với cơ sở của anh Tuấn cũng sẽ được thực hành trên máy tính miễn phí hoàn toàn.

Đa dạng các ngành nghề

Hơn 40 người khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính và thiểu năng trí tuệ đang học nghề và làm việc tại cơ sở dạy nghề nhân đạo Vì ngày mai của chị Nguyễn Như Hiền (số 32, ngõ 639 Hoàng Hoa Thám). Cơ sở của chị dạy các nghề may, thêu, làm hoa khô, sơn mài, hoa lụa, đồ thủ công lưu niệm... Theo chị Hiền, việc mở ra nhiều loại hình nghề cho người khuyết tật theo học là để phù hợp với cả bốn dạng khuyết tật: vận động, khiếm thính, khiếm thị và thiểu năng trí tuệ.

Sản phẩm của cơ sở chị Hiền đã được xuất ra nhiều nước trên thế giới. Nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước cũng đã tìm đến cơ sở của chị để đặt hàng. Hiện chị Hiền cho biết cơ sở của chị liên tục nhận người khuyết tật đến học nghề miễn phí và tạo cơ hội việc làm tại chỗ sau khi đã học nghề xong. Gần 40 người khuyết tật đang học nghề và làm việc tại cơ sở của chị Hiền đều có chỗ ăn ở và thu nhập ổn định.

Là một trong những người dạy vi tính cho người khiếm thính đầu tiên tại Hà Nội, anh Nguyễn Trung (cơ sở dạy vi tính cho người khuyết tật P106 B15 Tập thể Kim Liên) đã tìm hiểu, ứng dụng nhiều phần mềm thích hợp cho người khuyết tật như: bộ đọc màn hình, phần mềm âm thanh.

Nhiều năm nay, cơ sở của anh liên tục tiếp nhận người khuyết tật theo học vi tính miễn phí. Đặc biệt, anh Trung còn có một cơ sở làm xe lăn cũng tuyển dụng người khuyết tật theo học và làm việc với thu nhập ổn định. Anh Trung cho biết bất cứ người khuyết tật nào có mong muốn theo học vi tính hoặc làm xe lăn hãy tìm đến anh tại địa chỉ trên.

Bài, ảnh: HOÀNG MAI

Việt Báo (Theo_TuoiTre

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới